Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Dân Việt ta có cần thay máu?

Đảng Cộng sản Việt Nam,  luôn tuyên bố là hiểu rõ khát vọng to lớn nhứt của Dân tộc VN sau một quá trình 1.000 năm nô lệ từ phương Bắc, hơn 100 năm đô hộ bởi thực dân, đế quốc là “độc lập, chủ quyền, dân chủ tự do, ấm no và hạnh phúc"
Tận dụng lòng khao khát của người dân, đảng CSVN đã luôn phát động các phong trào đấu tranh trong mọi từng lớp nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, cùng vùng lên chống thực dân, gắn liền với những yêu sách đòi hỏi các quyền tự do (1945-1954).
Sau khi đất nước chia đôi, tiếp tục vận động quần chúng chống Mỹ, chính quyền "độc tài, tay sai, kềm kẹp, áp bức", đòi dân sinh dân chủ, .v.v... tại các thành phố lớn ở miền Nam VN như Saigon, Huế, Cần thơ. Đủ mọi thành phần phụ nữ, thanh niên sinh viên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, công nhân lao động, nông dân, tôn giáo... bằng nhiều hình thức mít-tinh, hội thảo, đình công, bãi chợ, bãi khóa, báo chí bán công khai, truyền đơn bươm bướm, xuống đường biểu tình đốt xe... liên tục kéo dài nhiều năm; thậm chí còn tự thiêu, tạo ra đảo chánh, binh biến...
Khao khát Độc lập, Tự do... đã thấm sâu vào máu của nhân dân VN. Nó trở thành một yếu tố vận động lớn với hằng triệu người đã hy sinh núi xương, sông máu, để đưa đến sự chiến thắng cho đảng CSVN ngày 30/4/1975.
Nhìn lại lịch sử từ ngày lập quốc, rõ ràng dân tộc VN anh hùng, với dòng máu kiên cường, bất khuất từng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược đến bất cứ từ đâu. Điển hình nhất là tiếp tục chiến thắng đế quốc phương Bắc qua cuộc chiến chống bành trướng bá quyền của Trung Quốc năm 1979. Biên giới phía Nam tiêu diệt bọn diệt chủng tay sai của CS Trung Quốc là Pol-pot, lãnh dạo đảng CS Campuchea. Từ thất bại này CS Trung Quốc tìm cách khống chế, phá hoại VN bằng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, thực phẩm có chất độc hại, v.v...
Gần đây nhà cầm quyền Trung quốc bộc lộ hành động xâm lăng trắng trợn và ngang ngược đối với VN, đưa ra một bản đồ hình lưỡi bò bao chiếm hầu hết vùng biển Đông của VN.
CS Trung Quốc đưa công hàm thừa nhận lãnh hải của ông Phạm văn Đồng gởi cho ông Chu ân Lai vào năm 1958 để đơn phương tuyên bố hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của TQ. Từ đó, giết hại, cướp bóc, giam cầm ngư dân VN, gây thiệt hại cho các tàu thăm dò dầu khí của VN, cấm ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN, ngăn cản sự hợp tác khai thác dầu khí giữa VN với các nước, .v.v... làm cho hòa bình, ổn định vùng biển Đông và khu vực bị đe dọa và cộng đồng Quốc tế quan tâm, lo ngại.
Một tình trạng liên hệ đến vận mạng của Dân tộc, đất nước vô cùng quan trọng như vậy... nhưng chỉ có một số người khiêm nhường ở Sài-gòn và Hà nội đứng lên phản đối, kéo dài được hơn chục lần.
TP Sài-gòn chỉ thấy xuống đường một lần rồi im vắng. Huế, Cần thơ -- trung tâm biểu tình chống ngoại xâm, đòi độc lập, tự do một thời vang dội cả thế giới ngày nào -- nay hoàn toàn im lặng. Những địa danh vốn tự hào là đất của đấu tranh nay không thấy bao nhiêu người tranh đấu đứng lên đòi độc lập, tự do và hùng dũng chống ngoại xâm như trước 1975.
Đảng Cộng sản VN nhu nhược vì sợ mất chỗ dựa của chế độ nhưng nhân dân thì sợ mất gì mà không dám đứng lên bày tỏ sự phẩn uất trước tình trạng Trung Quốc xâm lấn chủ quyền đất nước? Ngày trước nhân dân dám đứng lên chống chính phủ VNCH vì cho rằng đó là tay sai của Mỹ, thì bây giờ sao không đứng lên chống nhà cầm quyền CS khi rõ ràng là nó đang là một thứ tay sai của Bắc Phương? Đảng CSVN ngày nay khinh rẻ dân tộc VN đến cỡ vậy mà người Việt ta sao lại im lặng chịu đựng?
Thế thì tình trạng cả nước im lặng có phải là một sự đồng tình với chế độ hay không?  Hay là sợ bị kềm kẹp, đàn áp.. mà không dám cất lên tiếng nói? Không thể nào?
Đấu tranh ngày nay không sợ bị đưa lên máy chém, bị đày ra Côn đảo thì cái gì đã kềm hãm ý chí vùng dậy của dân ta? Không lẽ rằng dòng máu anh dũng, kiên cường bao đời nay đã không còn nguyên chất nữa?
Ai đã gây ra sự lạnh lùng, vô cảm này? Yếu tố nào có thể phục hồi lại được dòng máy nguyên thuỷ Việt Nam?
Lê Văn Trinh
Thành viên TW Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét